TP - Tại TPHCM, có nơi, học sinh được bố trí học ba ca mỗi ngày với thời lượng trên dưới 12 tiếng đồng hồ để tăng tốc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
[Video] Bài ca Đại học Quốc gia Hà Nội
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN https://ussh.vnu.edu.vn/uploads/ussh/logo.png
Sáng tác: Nhạc sĩ Hoàng Vân. Trình bày: Tập thể cán bộ, giảng viên ĐHQGHN.
Ước mơ du học từ năm 13 tuổi, nam sinh giành học bổng từ 3 đại học của Mỹ
Nuôi dưỡng mong muốn du học từ năm 13 tuổi cùng niềm đam mê mạnh mẽ đối với ngành Khoa học máy tính, Đinh Lê Hồng Phúc, cựu học sinh lớp 12B Trường Trung học Phổ thông Chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xuất sắc giành được học bổng toàn phần từ 3 đại học của Mỹ gồm Viện Công nghệ Rose-Hulman, Đại học Grinnell và Đại học Rochester.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Hồng Phúc bật mí về bí quyết chinh phục học bổng toàn phần tại 3 đại học ở "xứ cờ hoa". Nam sinh cho rằng việc sớm xác định mục tiêu rõ ràng và chuẩn bị hồ sơ du học kỹ lưỡng là điều vô cùng quan trọng. Điều này giúp bản thân phân bổ thời gian hợp lý cho các hoạt động, tránh bị quá tải và giảm thiểu nguy cơ gặp phải những sự cố không mong muốn.
Theo cựu học sinh Trường Trung học Phổ thông Chuyên Ngoại ngữ, nếu muốn đi du học điều tiên quyết là phải xác định rõ ngành nghề mà bản thân muốn theo đuổi. Việc này không chỉ giúp các bạn định hướng cho quá trình học tập và chuẩn bị hồ sơ mà còn đảm bảo rằng bạn có mục tiêu cụ thể và phù hợp với đam mê của mình.
Kế đến, cần nghiên cứu kỹ các quốc gia trên thế giới để có thêm hiểu biết về văn hóa của từng nước cũng như xác định rõ quốc gia nào đẩy mạnh và đào tạo chuyên sâu về ngành bản thân muốn theo đuổi. Điều này sẽ giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn về nơi học tập và môi trường phù hợp với sở thích, mục tiêu nghề nghiệp.
Sau khi đã chọn được quốc gia phù hợp, bước tiếp theo là dành thời gian tìm hiểu về các đại học có chương trình đào tạo tốt trong ngành hoặc lĩnh vực mà bạn quan tâm. Từ đó, mỗi cá nhân nên lập danh sách các trường để nộp hồ sơ, bao gồm cả những trường có tỉ lệ cạnh tranh thấp để gia tăng cơ hội và những trường có tỉ lệ cạnh tranh cao để thử sức. Như vậy sẽ giúp người học giúp tối ưu hóa cơ hội biến ước mơ du học trở thành hiện thực.
Đặc biệt, Hồng Phúc cho rằng yếu tố quan trọng nhất để đạt được học bổng du học chính là niềm tin vào bản thân. Tin tưởng vào khả năng của mình sẽ trở thành nguồn động lực lớn giúp các bạn thực hiện ước mơ.
Để du học Mỹ thành công, ngoài việc xuất sắc về học thuật, những người có ý định đi du học cần tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Những trải nghiệm này không chỉ giúp bạn phát triển kỹ năng cá nhân mà còn chứng minh bản thân là một công dân có trách nhiệm, đóng góp tích cực cho xã hội.
“Ngay từ đầu học kỳ 1 của lớp 10, em đã bắt đầu tham gia các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh như IELTS và SAT, vì đây là những yêu cầu cần thiết để hoàn thành hồ sơ du học.
Song song với việc đạt các chứng chỉ học thuật, em tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ về công nghệ và các tổ chức xã hội vì lợi ích cộng đồng, đặc biệt là về trẻ em. Đồng thời, em cũng tham gia các cuộc thi trong và ngoài nước để có thêm kinh nghiệm, giúp hồ sơ trở nên hấp dẫn hơn và tăng cơ hội nhận học bổng cũng như nhập học tại các trường quốc tế," Hồng Phúc chia sẻ.
Workshop hướng dẫn cách làm trò chơi điện tử “Flappy Bird” do câu lạc bộ TechUs mà Hồng Phúc tham gia tổ chức. (Ảnh: NVCC)
Bí quyết giành điểm cao trong bài luận du học và duy trì điểm GPA
Hồng Phúc chia sẻ rằng việc sắp xếp và phân bổ thời gian giữa học tập trên lớp và chuẩn bị hồ sơ du học là một thử thách lớn. Tuy nhiên, nhờ vào sự kiên trì và kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả, Phúc đã vượt qua khó khăn để đạt được thành công.
Trong thời gian đầu năm lớp 12, Hồng Phúc trải qua giai đoạn căng thẳng khi phải đối mặt với áp lực vừa viết bài luận chính và bài luận phụ để ứng tuyển vào các đại học của Mỹ vừa duy trì điểm GPA cao trên lớp.
Cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ,Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ rằng dù tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa đến đâu, điểm GPA ở trường phổ thông chính quy vẫn phải được duy trì ở mức cao, bởi đây là yếu tố quan trọng để hội đồng tuyển sinh đánh giá, xem xét trình độ của thí sinh.
Thời điểm vừa chuẩn bị hồ sơ du học, vừa đảm bảo việc học tập chính khóa tại trường trung học phổ thông thực sự quá tải đối với một học sinh cuối cấp. Nhờ những lời động viên từ gia đình và niềm tin vào bản thân đã giúp nam sinh vượt qua khó khăn này.
Theo Hồng Phúc, việc viết bài luận để ứng tuyển vào các đại học ở Mỹ là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình chuẩn bị hồ sơ du học. Bài luận không chỉ giúp thí sinh thể hiện cá tính, tư duy, khả năng sáng tạo và nhân cách của mình mà còn đóng vai trò quyết định trong mắt hội đồng tuyển sinh. Chính vì vậy, quá trình viết bài luận thường khiến nhiều du học sinh cảm thấy "ám ảnh" và đòi hỏi họ phải đầu tư nhiều thời gian và tâm huyết để hoàn thiện.
Cựu học sinh chuyên ngữ đã dành toàn bộ ba tháng kỳ nghỉ hè năm lớp 11 để nghiên cứu và viết bài luận. Đầu năm 2024, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Hồng Phúc quyết tâm dồn hết tâm huyết ứng tuyển vào Đại học Grinnell, theo đuổi niềm đam mê du học Mỹ và ngành Khoa học máy tính mà bản thân yêu thích.
May mắn đã mỉm cười với Hồng Phúc khi vào tháng 3/2024, nam sinh nhận được thông báo trúng tuyển từ Đại học Grinnell và xuất sắc giành được học bổng toàn phần trị giá 4 tỷ đồng. Học bổng này không chỉ giúp cậu bạn giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình mà còn trở thành động lực lớn để Hồng Phúc phấn đấu học tập và phát triển hơn trong tương lai.
Hồng Phúc luôn tâm niệm: “Khi bản thân làm gì, hãy làm nó với 200% sức mạnh”. Đây không chỉ là lời cổ vũ dành cho chính bản thân mà còn là động lực giúp cậu bạn phấn đấu hết mình trong mọi việc, luôn kiên định với mục tiêu và quyết tâm không bỏ cuộc dù gặp khó khăn.
Bên cạnh việc chuẩn bị hồ sơ du học, việc chuẩn bị tâm lý và tinh thần cho việc đến một vùng đất mới cũng rất quan trọng. Nhiều du học sinh khi tiếp xúc với một nền văn hóa mới nếu không có sự chuẩn bị từ trước sẽ dễ gặp phải tình trạng “sốc văn hóa”. Sự chuyển tiếp này có thể tạo ra những thách thức lớn, từ việc làm quen với phong cách sống khác biệt đến việc thích nghi với môi trường học tập mới.
Việc học tập và giao tiếp bằng một ngôn ngữ mới chắc chắn không hề dễ dàng. Vì vậy, Phúc luôn nhắc nhở bản thân phải chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng đón nhận mọi thử thách. Điều đó giúp cậu bạn dễ dàng hòa nhập hơn trong môi trường mới.
Để đạt được thành tích tốt, Hồng Phúc chia sẻ bản thân luôn thiết lập kỷ luật và đề ra những mục tiêu cụ thể, đồng thời xây dựng lộ trình học tập phù hợp cho bản thân. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ép buộc bản thân phải học vào những thời điểm cố định hay hoàn thành bài tập trong một khoảng thời gian nhất định. Phúc cho rằng cách làm này có thể gây áp lực tâm lý và về lâu dài dễ dẫn đến sự chán nản trong việc học.
Thay vào đó, Hồng Phúc luôn cố gắng khám phá những khía cạnh thú vị trong mỗi môn học để cảm thấy hứng thú hơn và tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn.
Đồng thời, để học tiếng Anh hiệu quả, Hồng Phúc cho rằng việc xây dựng một kế hoạch học tập với lộ trình rõ ràng là rất quan trọng.
“Đầu tiên, bản thân mỗi người cần xác định mục tiêu cụ thể, như cải thiện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Sau đó, kết hợp việc học qua sách giáo khoa với các tài liệu thực tế như phim ảnh, podcast, âm nhạc và bài viết tiếng Anh.
Luyện tập hàng ngày sẽ giúp các bạn duy trì và nâng cao khả năng ngôn ngữ. Tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh hoặc giao tiếp với người bản xứ qua các ứng dụng học ngôn ngữ cũng giúp cải thiện kỹ năng nói và nghe một cách tự nhiên hơn. Cuối cùng, kiên nhẫn và không ngại mắc lỗi sẽ giúp bạn học tiếng Anh tự tin và hiệu quả hơn,” Hồng Phúc bật mí.
Chia sẻ thêm về những dự định trong tương lai, Hồng Phúc cho biết: “Sau khi hoàn thành xong chương trình cử nhân tại Đại học Grinnell, em mong muốn tiếp tục ở lại Mỹ để thực hiện chương trình OPT (Optional Practical Training). Đây là chương trình đào tạo thực hành không bắt buộc, cho phép sinh viên quốc tế có thể ở lại làm việc 1 năm.
Sau đó, em dự định học lên bậc thạc sĩ tại Mỹ để mở rộng thêm kiến thức chuyên môn. Em tin rằng việc này không chỉ giúp bản thân có kiến thức sâu hơn mà còn tạo cơ hội tham gia vào các nghiên cứu thực tiễn, làm việc với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Khoa học máy tính mà bản thân theo đuổi".